Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Nature: Vidatox không có hiệu quả trong điều trị ung thư

Thuốc bổ sung và thay thế (complementary and alternative medicine/CAM) là thuật ngữ dùng để mô tả nhiều loại sản phẩm, thực hành và hệ thống không phải là một phần của y học truyền thống. Bệnh nhân ung thư thường làm mọi thứ mà họ có thể để chống lại căn bệnh, điều trị các triệu chứng của bệnh và đối phó với các tác dụng phụ của việc điều trị.

Thật không may, những bệnh nhân sử dụng thuốc bổ sung và thay thế (CAM)đã đánh giá thấp nguy cơ tương tác với điều trị ung thư hoặc tệ hơn họ còn bỏ qua các biện pháp điều trị thông thường do đó làm giảm khả năng thuyên giảm bệnh ung thư. Ở đây, chúng tôi phân tích các tác dụng của Vidatox 30 CH (nọc độc được triết xuất từ bọ cạp xanh Junceus Rhopalurus) trên ung thư gan (hepatocellular carcinoma/HCC), nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây tử vong do ung thư. Chúng tôi đã phát hiện ra rằng Vidatox làm gia tăng sự lây lan và xâm lấn của ung thư gan trong khi nó dường như không có tương tác với sorafenib, một chất ức chế nhiều loại tyrosine kinase hoạt hóa(active multikinase inhibitor) dùng đường miệng đã được phê chuẩn cho điều trị ung thư gan tiến triển (advanced hepatocellular carcinoma). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng nồng độ Vidatox được sử dụng trong nghiên cứu này không có tác dụng chống ung thư và không có biện pháp điều trị nào cần tới Vidatox ở bệnh nhân ung thư gan.1. Giovannini C., Baglioni M., Baron Toaldo M. et al. (2017). Venom from Cuban Blue Scorpion has tumor activating effect in hepatocellular carcinoma. Sci Rep, 7, 44685.

Hà Phương

(Theo Bác sĩ Nội trú)

Cách vắt sữa và bảo quản sữa mẹ

Tôi 37 tuổi, mới sinh con lần đầu, vì sinh non nên cháu chưa bú mẹ được nên phải vắt sữa để cho bé ăn nhưng khi vắt tôi thấy rất đau. Xin quý báo tư vấn cho tôi cách vắt sữa và bảo quản thế nào?

Tố Như(Nghệ An)

Sữa mẹ là thức ǎn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ, vì trong sữa mẹ có đủ nǎng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Có nhiều bà mẹ mặc dù rất muốn cho con bú nhưng do trẻ bị ốm, trẻ sinh non..., hoặc mẹ đang mắc các bệnh phải điều trị hoặc do quá bận bịu với công việc... nên không thể cho bé bú trực tiếp thì vắt sữa sẽ là giải pháp được lựa chọn.

Đầu tiên, bạn cần rửa tay và ly đựng sữa cho thật sạch. Ly phải có nắp đậy; xoa nhẹ quanh bầu vú rồi nhẹ nhàng ấn vào núm vú và xoay nhẹ núm vú; đặt ngón cái ở bờ trên quầng vú, ngón trỏ ở phía đối diện với ngón cái, dùng các ngón còn lại nâng bầu vú của bạn lên. Ấn nhẹ ngón cái và ngón trỏ trên ngực, sau đó ấn vào và thả ra vài lần để tạo áp lực làm cho sữa chảy ra (động tác này sẽ không làm bạn bị đau), hứng sữa chảy ra này vào trong một cái ly đã được rửa sạch. Tiếp tục ấn như vậy từ chỗ này đến chỗ khác của bầu vú cho đến khi đã ấn hết vòng quanh bầu vú (tránh nặn ở quá gần núm vú hoặc ở ngay đầu núm vú). Không bóp, nặn hoặc siết chặt núm vú và đừng làm trầy xước vùng da ở bầu vú. Các ngón tay của bạn nên xoay tròn đều quanh bầu vú.

Sau khi vắt, cần chứa trong một bình khử trùng, nếu để trong tủ lạnh tối đa 2 ngày; lưu trữ được 2 tuần trong ngăn đá tủ lạnh và cho bé uống sữa ngay sau khi rã đông bằng cách ngâm bình sữa vào nước ấm. Chú ý không tái đông lạnh sữa lần nữa khi nó đã tan, không nên hâm nóng sữa bằng lò vi sóng.

BS. Anh Vũ

Xót xa cậu học sinh bị khối u khổng lồ phải cắt bỏ chân

Hiện nay, em Hoàng Văn Châu đang được điều trị tại bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Trước đó, Châu đã trải qua 4 lần phẫu thuật nhưng đều thất bại. Theo bác sĩ, cách duy nhất để duy trì sự sống là cắt đi phần chân bị khối u.

Vào đầu tháng 3/2016, Châu được đám bạn cùng lớp rủ chơi bóng đá, không may phần đầu gối chân phải bị va đập vào vật cứng, khiến em đau dữ dội. Nhưng vì nghĩ con mình đau nhẹ nên gia đình anh Hoàng Văn Nga (bố Châu) chỉ lấy thuốc giảm đau ở địa phương, không đến bệnh viện kiểm tra.

Khối u nặng 12kg mọc trên khân phải của em Châu

Thế nhưng, vài tuần sau đó, Châu liên tục kêu đau, không thể đi, đứng. Thấy vậy, gia đình liền đưa em đến bệnh viện Huyện kiểm tra, tại đây bác sĩ cho biết, em bị chấn thương phần mềm do va đập.

Sau một tuần điều trị tại bệnh viện Huyện nhưng bệnh tình của Châu vẫn không hề thuyên giảm, mà còn dấu hiệu nặng lên. Gia đình anh Nga tiếp tục chuyển em lên bệnh viện tuyến trên, tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, các bác sĩ kết luận em bị ung thư xương, có biến chứng khôn lường.

Chân phải của Châu bắt đầu sưng lên, dần biến thành một khối u lớn ở đầu gối. Khối u có nặng 12 kg đó ngày đêm dày vò khiến em không thể ăn uống, chỉ biết khóc, gào thét. Người Châu cũng vì thế mà sụt cân nghiêm trọng. Giờ đây, em chỉ còn nặng 30kg, nhưng khối u đã chiếm mất 1/3.

Mới đây, Châu tiếp tục được chuyển sang bệnh viện Hữa nghị đa khoa Nghệ An để chuẩn bị cắt phần chân bên phải. Dù biết là xót xa, nhưng gia đình anh Nga phải cắn răng đồng ý vì đây là cách duy nhất để giữ lại mạng sống cho con mình.

Căn bệnh quái ác hành hoành khiến Châu chỉ còn da bọc xương

Theo chị Toàn (mẹ Châu) tâm sự: “Từ ngày con không còn khả năng đi lại, chưa đêm nào tôi chỉ ngủ được một tiếng đồng hồ. Cứ luân phiên với anh trai xoa bóp, gọi bác sỹ khi con cần. Tôi không dám ngủ vì sợ lúc tỉnh lại không còn gặp lại con mình.

“Vừa rồi, thấy con đau đớn quá, khối u như muốn vỡ tung ra nên đề nghị bác sỹ cắt bỏ chân cho cháu. Bác sỹ bảo nếu cắt bỏ thì phải cắt lên tận háng mới an toàn nhưng hiện tại, sức khỏe của cháu chưa thể chịu đựng được ca phẫu thuật, đành phải chờ đợi. Cứ như thế này chắc con tôi không còn sức mà chống chọi ” – Chị Nga cho biết thêm.

Được biết, hoàn cảnh của gia đình anh chị Nga Toàn thuộc diện khó khăn của xã. Anh Nga làm nghề phụ hồ, còn chị Toàn làm ruộng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Minh Vỹ (xóm trưởng xóm 8, xã Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An) cho hay: Từ ngày cháu Châu mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh gia đình vốn khó khăn lại càng thêm túng bấn. Việc học của cháu Châu dở dang, tương lai mù mịt.

Đối với Châu bây giờ, điều mong ước lớn nhất là được cắt bỏ chân phải của mình, chấm dứt nỗi đau về thể xác gần 1 năm nay và nhanh chóng quay lại trường học tập.

Tuấn Anh

Phẫu thuật tim vào buổi chiều, tỷ lệ thành công cao hơn

Nghiên cứu mới đây đăng tải trên Tạp chí y khoa nổi tiếng The Lancet cho thấy, tiến hành phẫu thuật tim vào buổi chiều tăng 50% tỷ lệ thành công.

Các nhà khoa học Anh đã tiến hành theo dõi 596 người đã trải qua phẫu thuật thay thế van tim – một nửa trong số họ phẫu thuật vào buổi sáng và một nửa phẫu thuật vào buổi chiều. Trong 500 ngày tiếp theo, những người phẫu thuật vào buổi chiều giảm ½ nguy cơ về các tổn thương tim hơn so với những người phẫu thuật vào buổi sáng. Ở phần thứ hai của nghiên cứu, các nhà khoa học đã kiểm tra 88 bệnh nhân khác và phát hiện thấy những người phẫu thuật tim vào buổi chiều ít bị tổn thương mô tim hơn.

Tiến sỹ Mike Knapton, Quỹ Tim Vương quốc Anh cho biết: “Đồng hồ sinh học – được gọi là nhịp sinh học – vẫn đang điều chỉnh từ giai đoạn ngủ sang thức dậy nhưng vào buổi chiều đồng hồ sinh học được chuẩn bị tốt hơn để thực hiện phẫu thuật tim mở. Thời gian trong ngày dường như là một yếu tố quan trọng góp phần vào kết quả phẫu thuật. Nếu phát hiện này được nhân rộng sẽ giúp các bác sỹ phẫu thuật thay đổi thời gian phẫu thuật góp phần thành công của phẫu thuật”.

Quốc Tuấn

((Theo Dailymail tháng 10/ 2017))

Phòng viêm mũi dị ứng mùa lạnh ẩm

Viêm mũi dị ứng gặp ở mọi lứa tuổi nhưng người trưởng thành chiếm tỷ lệ cao hơn cả, bệnh xảy ra quanh năm, tuy nhiên mùa lạnh, rét, mưa nhiều, ẩm ướt, khô hanh bệnh thường xuất hiện và tái phát. Bệnh gây nhiều phiền toái, khó chịu cho người bệnh.

Lý do gây viêm mũi dị ứng là gì?

Niêm mạc mũi rất nhạy cảm với thời tiết, đặc biệt người có cơ địa dị ứng. Bởi vậy, nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng chủ yếu do phản ứng của cơ thể khi gặp vật lạ (kháng nguyên hay còn gọi là dị nguyên) đối với cơ thể, nhất là khi thời tiết thay đổi. Một số dị nguyên có khả năng gây nên viêm mũi dị ứng như bụi, phấn hoa, hóa chất, bông, vải, sợi, lông (chó, mèo), ký sinh trùng (bào tử nấm mốc, bọ chét, mò, mạt...), khói (khói thuốc, khói bếp, khói nhà máy), một số dược phẩm hoặc do thời tiết (lạnh, nóng đột ngột, ẩm ướt, khô hanh). Các loại này rất phổ biến ở nước ta và chúng thường đóng vai trò như một kháng nguyên không hoàn toàn (Hapten) khi gặp kháng thể (có trong cơ thể) tương ứng sẽ xảy ra hiện tượng phản ứng tức thì ngay ở lớp nhày niêm mạc của mũi, họng, xoang... gây nên hiện tượng viêm và kích thích niêm mạc mà được biểu hiện là ngứa, hắt hơi. Hắt hơi là một phản xạ nhanh, nhạy của cơ thể nhằm tống vật lạ ra khỏi vùng niêm mạc mà các dị nguyên vừa mới xâm nhập. Mặt khác, cơ địa dị ứng có liên quan mật thiết với bệnh viêm mũi dị ứng, bởi vì, người bị viêm mũi dị ứng mà có cơ điạ dị ứng (viêm da dị ứng, mề đay mạn tính, ezcema, tổ đĩa, hen suyễn...), tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nhiều so với người bị viêm mũi dị ứng mà không có cơ địa dị ứng. Các tác nhân gây kích thích gây viêm mũi dị ứng cũng có thể theo đường hô hấp nhưng cũng có thể vào cơ thể theo đường khác như qua da hoặc theo đường ăn uống (một số thực phẩm tôm, cua, ốc...).viêm mũi dị ứng

Các tác nhân gây viêm mũi dị ứng.

Ðặc điểm của viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng có hai loại, loại có chu kỳ và loại không có chu kỳ.

Loại có chu kỳ thường xảy ra đột ngột khi thay dổi thời tiết (nóng lạnh đột ngột, mưa, ẩm, khô hanh). Người bệnh thấy cay cay trong mũi, hắt hơi liên tục, ngứa mũi, cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt. Tiếp đến là chảy nhiều nước mũi trong như nước lã. Có cảm giác rát bỏng ở vòm hầu họng. Ban ngày xuất hiện nhiều cơn như vậy, đặc biệt là vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy, nhưng tối đến lại dịu đi và kéo dài vài ba ngày đến vài tuần, nếu không được điều trị.

Loại viêm mũi dị ứng không có chu kỳ có triệu chứng giống như loại có chu kỳ nhưng khác ở chỗ là bệnh xuất hiện không theo mùa, không phụ thuộc thời tiết, cơn viêm không kịch phát, chỉ hắt hơi vài cái nhưng nghẹt mũi tăng và kéo dài hơn giữa 2 cơn.

Biến chứng của viêm mũi dị ứng

Với bệnh viêm mũi dị ứng mạn tính, có thể bị nghẹt mũi gần như thường xuyên, gây ù tai, nhức đầu kèm theo (những triệu chứng này rất dễ nhầm với viêm xoang). Một số trường hợp viêm mũi dị ứng mạn tính có thể bị loạn khứu giác (mất mùi) hoặc ngủ ngáy. Bệnh viêm mũi dị ứng gây nhiều phiền toái cho người bệnh và do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh, đặc biệt khi đã có biến chứng.

Viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị thỏa đáng có thể dẫn đến viêm xoang dị ứng, polyp mũi, polyp xoang và bệnh hay tái phát.viêm xoang dị ứng

Viêm mũi dị ứng có thể dẫn đến viêm xoang dị ứng.

Nguyên tắc phòng và chữa trị

Khi nghi ngờ viêm mũi dị ứng cần được khám sớm để điều trị ngay từ đầu. Cần điều trị nguyên nhân và triệu chứng, tuy nhiên dùng thuốc gì là do bác sĩ khám bệnh chỉ định, người bệnh cần tuân theo.

Để hạn chế bị viêm mũi dị ứng không nên nuôi chó, mèo trong nhà và nếu không thể không nuôi, nên hạn chế đến mức tối đa tiếp xúc với chúng và vệ sinh sạch chuồng, nơi ở của chúng. Cần vệ sinh định kỳ các chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm hạn chế sự tồn tại và sinh trưởng của một số ký sinh trùng (mò, mạt). Nhà ở cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển. Cần vệ sinh răng miệng hằng ngày nhất là đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Cần bỏ hút thuốc lá, thuốc lào. Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với với bụi (bụi trong nhà và bụi ngoài đường). Vì vậy, cần đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và lúc ra đường. Những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh nhất là ở những người có cơ địa dị ứng, cần giữ ấm cơ thể (mặc đủ ấm, cổ nên được quàng khăn ấm, chân tay cần đi tất, tắm nước nóng).

PGS.TS. Bùi Khắc Hậu

Quảng Ninh: Cứu sống phụ nữ mắc thể ung thư vú hiếm gặp

Thông tin từ BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết: Ngày 11/10/2017, bệnh nhân Nguyễn Thị Ninh, sinh năm 1950, trú tại TP. Uông Bí, Quảng Ninh đã được xuất viện về nhà sau đợt phẫu thuật điều trị paget vú- một trong những thể ung thư vú hiếm gặp - chỉ chiếm 1 đến 4% trong tổng số các bệnh ung thư vú (theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO).

Bệnh nhân đã được cắt bỏ tuyến vú trái và hạch bạch huyết hố nách trái để tránh di căn. Sau phẫu thuật sức khỏe bệnh nhân ổn định, ăn uống tốt, đi lại bình thường.

Hình ảnh paget vú của bệnh nhân.

Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây khoảng 7 - 8 năm, ngực trái xuất hiện vết trợt da bằng hạt gạo ở ngay núm vú. Ngoài cảm giác hơi rát, không có biểu hiện gì khác. Ban đầu người bệnh chỉ nghĩ là trợt da thông thường nhưng không thấy chỗ da trợt liền lại nên nghĩ tới bệnh da liễu và tự bôi thuốc tại nhà. Tuy nhiên vết tổn thương không lành mà từ vết trợt nhỏ bắt đầu xuất hiện những mảng đỏ và lan dần ra khỏi núm vú.

Mấy năm gần đây tổn thương lan rộng hơn thành những khối sùi màu đỏ, có viền xung quanh, không nhức, không đau, không chảy dịch mà chỉ thấy ngứa, cảm giác giống như bị hắc lào. Bình thường vết tổn thương đóng vảy như vảy nến, khô, khi bôi thuốc hoặc ra mồ hôi thì thấy ướt hơn, dính nham nháp.

Tháng 8/2017, khi bệnh nhân đến khám tại BV Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí, vị trí tổn thương được ghi nhận là một mảng sùi màu đỏ gồm nhiều lớp chồng lên nhau, đóng vảy cứng, bờ nham nhở, kích thước 4x4 cm bao phủ núm vú và quầng vú, làm biến dạng núm vú trái. Qua thăm khám và kết quả chụp X-quang tuyến vú, sinh thiết da núm vú trái, các bác sĩ thuộc Trung tâm Ung bướu của bệnh viện chẩn đoán bệnh nhân bị paget vú, cần được phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú càng sớm càng tốt tránh di căn về sau.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú và nạo vét hạch bạch huyết cho người bệnh.

Ngày 26/9/2017, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú trái, nạo vét hạch bạch huyết vùng hố nách trái. Giải phẫu bệnh phẩm sau phẫu thuật cho kết quả: tổn thương núm vú và quầng vú là paget, diện cắt da quanh u không còn tế bào ác tính, hạch nách gửi kèm không thấy tế bào ác tính di căn hạch, cho thấy đây là ca phẫu thuật điều trị ung thư vú triệt căn và tiên lượng rất tốt cho bệnh nhân.

Các bác sĩ cho biết, bệnh Paget thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi với tổn thương da vú và quanh núm vú. Biểu hiện ban đầu là một vài vảy tiết nhỏ hoặc tổ chức sùi sừng hoá ở quanh vú. Vảy tiết gắn chặt khô hoặc hơi ướt, ngứa ít hoặc nhiều, bóc lớp này lớp khác lại đùn lên. Sau một vài năm tổn thương có biểu hiện giống một đám eczema lan khắp đầu vú, vượt quá quầng sẫm màu ở quanh núm vú, tổn thương có chỗ khô chỗ ướt đóng vảy và hơi sùi.

ThS.BS Nguyễn Vũ chia sẻ niềm vui với người bệnh trước khi xuất viện.

Theo ThS.BS Nguyễn Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu - BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, đây là một thể ung thư vú rất hiếm gặp không chỉ ở Việt Nam mà còn hiếm gặp cả trên thế giới. Bệnh rất khó chẩn đoán do dễ nhầm lẫn với các bệnh da liễu như eczema, á sừng, vảy nến… Trường hợp bệnh nhân này đã điều trị bệnh da liễu nhưng không khỏi và đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn khá muộn. Tuy nhiên may mắn khối u chưa di căn xa nên bệnh nhân đã được phẫu thuật triệt căn thành công.

Hiện nay phương pháp hiệu quả điều trị paget vú là cắt bỏ tuyến vú sớm, bao gồm cắt cả hạch bạch huyết lân cận. Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo chị em phụ nữ cần cảnh giác với các tổn thương ở núm vú, quầng vú. Khi phát hiện bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để làm chẩn đoán và điều trị kịp thời.

D.Hải

Điều trị sẹo lồi thế nào?

Nguyễn Thanh Thúy (Hải Phòng)

Sẹo hình thành là dấu hiệu của lành vết thương, nhưng tùy theo cơ địa và các yếu tố tác động có thể hình thành sẹo bình thường, sẹo lồi, sẹo lõm hay sẹo phì đại.

Trường hợp của bạn bị sẹo lồi, là sẹo gồ trên bề mặt da do sự phát triển quá mức thường gây ngứa, đau, đôi khi gây co kéo, mất thẩm mỹ nếu sẹo ở cổ, mặt...

Cho đến nay, chưa có cách nào có thể điều trị tận gốc sẹo lồi vì sẹo vẫn tái phát nhưng có một số phương pháp thường được áp dụng là tiêm corticoid trực tiếp vào sẹo, chấm nitơ lỏng, phẫu thuật cắt bỏ sẹo, bôi thuốc, sử dụng miếng dán và phương pháp tia xạ...

Phương pháp tia xạ thường áp dụng cho những trường hợp sau phẫu thuật cắt sẹo lồi nhằm ngăn cản sự tái phát trong vòng 1-3 năm, tỷ lệ thành công khá cao nhưng gây tác dụng phụ là tăng sắc tố da, có khả năng gây ung thư.

Tốt nhất, bạn nên đến chuyên khoa da liễu của các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám cụ thể và có biện pháp chữa trị hợp lý.

Ngoài ra, khi đã có cơ địa sẹo lồi bạn nên tránh chấn thương một cách tối đa. Nếu chẳng may bị thương nên chăm sóc vết thương sạch sẽ, tránh bị áp-xe mưng mủ. Không gãi và nên mua thuốc chống sẹo về dùng đối với những vết thương nhỏ.

BS. Nguyễn Hưng

Nature: Vidatox không có hiệu quả trong điều trị ung thư

Thuốc bổ sung và thay thế (complementary and alternative medicine/CAM) là thuật ngữ dùng để mô tả nhiều loại sản phẩm, thực hành và hệ thống...